Triển lãm đôi Ký Thác Hư Không của hai nghệ sĩ Tôn Thất Minh Nhật và Tuyền Nguyễn, với hơn 25 tác phẩm tranh vẽ trên chất liệu tưởng như truyền thống như sơn mài và lụa, dẫn dắt người xem và những mảnh phù vân trong công cuộc tạo tác của người nghệ sĩ. Ở đó, người chỉ tồn tại qua vết tích của chuyển động, trong ký ức và di sản.
Không gian triển lãm được chia làm hai mảng đối lập, một bên để Tuyền Nguyễn xây dựng mê lộ ký ức, bên kia để Tôn Thất Minh Nhật mở ra những cánh cửa hút người xem vào khoảng lặng thinh.
Phát triển tiếp ý tưởng từ triển lãm cá nhân Huyền Tượng (2023) tại Huyền Art House, tiếp tục đuổi bắt những giấc mơ, nhưng Tuyền Nguyễn lần này quyết định rời bỏ những tấm canvas khổ lớn và nép mình vào những khung lụa khiêm cung. Đây là một thử thách, cũng là lựa chọn của nghệ sĩ để thích nghi với sự thay đổi về không gian xưởng trong năm vừa qua. Series Chênh Vênh gửi những ghi chép về cá nhân và cuộc sống đến một chiều không gian khác. Anh tìm thấy con đường mở ra sau tấm màn xuyên thấu. Các vệt màu lớp chồng lớp tái hiện những chuyển động qua đa chiều không gian và thời gian. Những hình tượng khi rõ nét khi lại mờ, những ký ức đã qua đồng hiện với chiêm bao. Năng lượng được hun đúc, dồn nén và tuôn trào trên mặt tranh như những diễn cảnh trong giấc mơ đã căng phồng rất lâu trong tâm trí, giờ đây được tuôn ra để len lỏi và lấp đầy mọi không gian rỗng. Một cách cố tình, những tấm tranh hai mặt này được treo xen kẽ, tựa những lát cắt ký ức tạo thành một mê lộ của hình tượng và ảo cảnh.
Trái ngược với mê cung đầy màu sắc của Tuyền Nguyễn, loạt tranh sơn mài của Tôn Thất Minh Nhật lắng đọng trên tường, tạo thành chuỗi ô cửa dẫn vào tâm trạng của nghệ sĩ, đồng điệu với vòng tuần hoàn hai mùa mưa-nắng, hai nửa ngày-đêm. Tiếp nối thành công của triển lãm cá nhân Time, Illuminated (2024) tại Galerie BAQ, Paris, nghệ sĩ tiếp tục tái sử dụng các tham chiếu từ ngôn ngữ kiến trúc của đền, đình, và công trình hoàng gia ở xứ Huế nơi anh sinh sống. Giản lược đi những chi tiết cầu kỳ thường thấy trên bề mặt tranh sơn mài truyền thống, nghệ sĩ đặt trọng tâm độ sâu của từng chất sơn đen, như thể người xem đang nhìn vào một mặt hồ hun
hút. Đối với Tôn Thất Minh Nhật, thực hành sơn mài vừa là một nghi lễ thiền, vừa là cách anh ghi lại những chuyển động của môi trường xung quanh. Tên gọi từng tác phẩm được đặt theo lối ước lệ của cổ hoạ Trung Hoa shuǐ-mò (水墨 / thủy mặc), nơi hình ảnh của thiên nhiên được sử dụng như những ẩn dụ tinh tế nhằm diễn đạt xúc cảm của con người.
Ký Thác Hư Không là một hành trình có muôn lối vào nhưng không hồi kết. Hai thực hành đặt bên cạnh nhau như hai nửa âm-dương, tương phản mà hoàn thiện. Người xem thả mình vào những khoảng trống cần thiết để ngẫm về sự luân chuyển vô tận của nhân gian mà ở đó con người chỉ là một tồn tại hữu hạn. Một khởi đầu khác sẽ lại đâm chồi từ hư không…
-
Tôn Thất Minh Nhật, A Tale of Sun and Rain (Câu Chuyện Nắng Mưa) #03, 2024
-
Tôn Thất Minh Nhật, Autumn pond (Ao Thu), 2024
-
Tôn Thất Minh Nhật, Symphony of the river (Bản giao hưởng của dòng sông), 2024
-
Tôn Thất Minh Nhật, Distant rain (Mưa xa), 2024
-
Tuyền Nguyễn, In Fluctuance (Chênh Vênh) #15, 2024
-
Tuyền Nguyễn, In Fluctuance (Chênh Vênh) #01, 2024
-
Tuyền Nguyễn, In Fluctuance (Chênh Vênh) #02, 2024
-
Tuyền Nguyễn, In Fluctuance (Chênh Vênh) #03, 2024